Quan niệm sai lầm Tiền thưởng triều Nguyễn

Một số nhà sưu tầm đã xem tiền thưởng của triều Nguyễn như là một dạng Đô la thương mại, vì một số loại tiền thưởng dưới dạng xu tròn được đúc bằng kim loại quý, đặc biệt là xu bạc Phi long của vua Minh Mạng, với các thông số gần giống như Đô la Tây Ban Nha hay Real Mexico (Xu bạc Con cò): Tỷ lệ bạc trong xu bạc Phi long 1832 là 70%, sau đó tăng lên 80% trong xu bạc năm 1834 và trọng lượng xu cũng tăng từ 25g lên 27,27g vào năm 1835.[2]

Tuy nhiên tiền thưởng triều Nguyễn hoàn toàn không phù hợp để đưa vào tiêu chí này, vì chúng chỉ được sử dụng với mục đích ban thưởng cho quan lại và vương công quý tộc trong các dịp lễ và khánh tiết hoặc cho người có công trạng như một dạng huy chương hay kỷ niệm chương chứ không được lưu hành chính thức hay phục vụ cho việc trao đổi thương mại. Tác giả Francois Joyaux trong tác phẩm Monnaies Impériales d'Annam đã cho rằng vua Minh Mạng cho đúc đồng bạc Phi long nhầm mục đích cạnh tranh với Đô la Tây Ban Nha và dự định cho lưu hành chính thức, nhưng trên thực tế thì chúng chưa từng được phát hành chính thức bởi triều Nguyễn và chỉ được dùng dưới dạng tiền thưởng.[2]

Bản thân những người có công trạng được triều đình ban tiền thưởng bằng vàng hoặc bạc cũng thường giữ chúng lại và truyền đời trong gia tộc chứ không bán đi, ngoại trừ một số trường hợp bị mất cắp hoặc các hậu duệ đời sau mang bán cho các nhà sưu tầm. Trong tác phẩm Etudes numismatiques sur l'Annam xuất bản năm 1905, tác giả Schroeder đã gọi tiền thưởng triều Nguyễn là "huân chương".